Tri thức là sức mạnh

Chúc các Anh/Chị thành công!
Phạm Phúc Vĩnh

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

So sánh Duy Tân với Đổi Mới












Dưới đây là toàn văn bài viết của Giáo sư kinh tế Đặng Phong từ Hà Nội mang tựa đề: 'Thử so sánh Duy tân với đổi mới, nhìn từ góc độ kinh tế'. Bài đã đăng tại ở Việt Nam thời gian trước đây.Trong kinh tế, sửa đổi hay cải cách là công việc thường xuyên. Nhưng nếu nói đến phong trào có quy mô xã hội rộng lớn, như một sự bùng nổ sau một thời gian dài dồn nén, thì trong thế kỷ thứ XX, Việt Nam có hai lần như thế.
Lần trước vào phần tư đầu thế kỷ, với phong trào Duy tân. Lần sau vào phần tư cuối thế kỷ , với công cuộc Ðổi mới.
Xét về ngữ nghĩa, Duy tân là Ðổi mới. Ðổi mới cũng là Duy tân. Nhưng nếu xét về hoàn cảnh lịch sử, về lộ trình, về nội dung, về ý nghĩa và kết quả, thì duy tân và đổi mới có nhiều chỗ khác nhau.
Dưới đây, xin thử nêu lên 10 điều so sánh những chỗ giống nhau và khác nhau của hai phong trào kể trên:
Duy tân-Ðổi mới
1. Hoàn cảnh lịch sử
Duy Tân: Việt Nam đang bị Pháp đô hộ. - ách đô hộ Pháp là trở ngại chính của sự phát triển. -Phong trào Cần Vương đã thất bại. Mô hình phong kiến, với tiết tháo của những nho gia, không giải được ách nô lệ cho dân tộc. Vấn đề đặt ra là phải tìm con đường khác, không chỉ dựa vào tiết tháo, mà dựa vào sự cường thịnh.
- Nhật trở thành một tấm gương đầy thuyết phục rằng nếu duy tân (chữ duy tân cũng lấy từ chữ Minh trị duy tân), thì người Châu Á có thể tiến lên phú cường.
Đổi Mới: Việt Nam được độc lập. - Cái đang kìm hãm sự phát triển là mô hình kinh tế do chính Việt Nam lựa chọn. Chiến tranh kết thúc, Mỹ thì vẫn duy trì cấm vận kinh tế với Việt Nam, nguồn viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa thì giảm sút đột ngột. Mô hình kinh tế cũ vốn không thể tự nuôi dưỡng được nó, đến lúc này hội chứng của một nền 'kinh tế thiếu hụt' càng trở nên trầm trọng.
- Do những huý kỵ về nguyên lý, ban đầu không ai dám quy nguyên nhân của những ách tắc cho mô hình kinh tế. Tư duy kinh tế đến lượt nó cũng bị ách tắc.
- Bài toán mà lịch sử đặt ra lúc này là phải sóng bằng cái do mình làm ra. Mô hình kinh tế cũ không giải được bài toán đó. Phải tìm một cách giải khác.
- Trong khu vực đã xuất hiện nhiều con rồng càng ngày càng có sức thuyết phục.
2. Mục đích:
Duy Tân: - Chính trị là mục đích: độc lập. Kinh tế là biện pháp: Phú quốc cường binh, thực sản hưng nghiệp. Có hưng nghiệp mới có phú quốc, có phú quốc mới có cường binh, có cường binh thì mới có độc lập. Hay nói như nhà duy tân Trung Quốc Vương Thao: 'tiên phú hậu cường'.
Sự phát hiện này đã được một người Việt Nam nói lên ngay từ giữa thế kỷ thứ 19: Ðó là Phạm Phú Thứ, sau khi di sứ ở Pháp về (1864), đã viết hai câu thơ như sau: Tảo giao Ðông thổ kiêm trường kỹ Pha lý, Long đơn vị túc tiền Nghĩa là: Giá như Phương Ðông sớm giỏi công nghệ Paris, London chắc gì hơn ta.
-Còn sau khi có độc lập rồi, sẽ đưa đất nước đi theo mô hình nào, thì các nhà duy tân còn khá mơ hồ. Ðó cũng là theo tư tưởng của Tôn Văn tiên hành hậu tri, tức cứ làm trước rồi sẽ biết sau. Tuy nhiên, xem trong ý tứ của các vị, thì hầu hết đều ít nhiều có xu hướng xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh, đoàn kết cộng đồng dân tộc.
- Kinh tế là mục đích: dân giàu, nước mạnh (mô hình kinh tế cũ cũng đặt ra mục đích này, nhưng không đạt được như ý muốn. Ðổi mới không phải là sự thay đổi về mục đích, mà là thay đổi về phương pháp.
-Trong đổi mới, mục đích là kinh tế, nhưng đồng thời phải đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
3. Cú hích ban đầu
Duy Tân:- Tấm gương Nhật Bản. tấm gương đó lại đến qua con đường gián tiếp, qua phong trào Duy tân của Trung Quốc, qua những tác phẩm các nhà duy tân Trung Quốc (Tân thư). - Duy tân là một sự bừng tỉnh. Nó không những chống Pháp xâm lược, mà còn là sự phủ định những phương thức chống Pháp cũ. Ðó là một sự lột xác gian nan . Sau những thất bại liên tiếp của phong trào Cần Vương, những người yêu nước đã bừng tỉnh thấy rằng sách Tứ thư ngũ kinh của thánh hiền, phép vua tôi cùng những chữ Trung, Hiếu, Lễ, Nghĩa, 'hay những chén thuốc độc, những sợi dây tuẫn tiết, không cứu được dân được nước. Nói như Ðặng Huy Trứ: 'Làm ra của cải, đạo lớn ấy không thể xem khinh'.
Hoặc như một câu đối tại một trường học mà các nhà duy tân mở tại Hoà An (Quảng Nam) ghi: Chữ Sĩ Nhiếp sắp về già, chép để nghìn thu mong bạn trẻ. Siêng năng theo kịp bạn, bắc thang tiến bộ bước dần lên. Bừng tỉnh trong Duy tân là: phải tìm sức mạnh không chỉ ở sự trung nghĩa, mà chủ yếu là ở những sức mạnh vật chất, lấy từ kinh tế, từ sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp.
Nói cách khác phải học kẻ thù để lấy sức mạnh chống lại kẻ thù, khác hẳn với cách phủ nhận kẻ thù đơn giản, chỉ bằng cách gọi nó là bạch quỷ, hồng mao.
Đổi Mới: -Cú hích trực tiếp là sự bức xúc bên trong: những khó khăn về kinh tế buộc các cơ sở phải bươn trải, bung ra để tự cứu. Không có cú hích ban đầu từ bên ngoài.
-Ðổi mới cũng là một sự bừng tỉnh. Trong mô hình cũ, mục tiêu dân giàu nước mạnh không thực hiện được. Sau nhiều cố gắng để cải thiện mô hình cũ như ba xây, ba chống, cải tạo công thương nghiệp, xoá bỏ thị trường tự do, ngăn sông cấm chợ, giương lên nhiều lá cờ và phát động nhiều phong trào , nhiều chiến dịch trong kinh tế và trong văn hoá tư tưởng vẫn không đạt được kết quả, thậm chí tình hình ngày càng bế tắc. Chính từ sự bế tắc đó, những bộ óc thực tế nhất đã bừng tỉnh thấy ra rằng không thể đốt cháy giai đoạn bằng ý chí được, phải tìm ra những giải pháp thích hợp với cuộc sống để tháo gỡ cho cuộc sống.
Cũng như phong trào Duy tân, sự đổi mới này không chống lại những người đi trước, nhưng làm khác những người đi trước, coi cách nghĩ của những ngừời đi trước là rất khả kính nhưng bất khả thi. Bây giờ phải tìm cách khác để thực hiện chính những mục tiêu của những người đi trước. Không coi kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường là đối lập với chủ nghĩa xã hội, là phản động, là xét lại, mà là những cái có thể điều tiết và sử dụng để đi tới xã hội chủ nghĩa. Ðó cũng là sự lột xác về tư duy và giải pháp.
4. Nội dung
Duy Tân:-Về mặt kinh tế là phát triển nền kinh tế tư bản chủ nghĩa dân tộc: người Việt Nam phải kinh doanh nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, lập các hội buôn để làm giàu. Ðó là tư tưởng khai dân trí, chấn dân khí. Nói theo các nhà Duy tân Trung Quốc: trọng thương chấn công (Hồng Nhân Can), phú nhân (Mã Kiến Trung), dưỡng dân (Lý Hồng Chương) - ít nói tới tư bản ngoại quốc. Sự thống trị của Pháp đang là một sự răn đe. Cũng không thấy nói tới đầu tư của nước ngoài. Riêng Phan Chu Trinh có đưa ra chủ trương “ỷ Pháp cầu tiến bộ', mà nội dung chính là vận động, đấu tranh đòi nhà nước Pháp nới rộng ách đô hộ, giúp đỡ mở mang dân trí, khuyếch trương kinh tế'.
Đổi Mới: - Nội dung cơ bản không khác Duy tân: Một trong những tư tưởng lớn của đổi mới là kinh tế nhiều thành phần. Trong nhiều thành phần này có một số thành phần đã có trong mô hình cũ như kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể. Cái mới trong đổi mới thì chính là thừa nhận thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản chủ nghĩa.
-Vì đã có độc lập, có chủ quyền, nên khác với các nhà duy tân: Một trong những chủ trương rất quan trọng trong đổi mới ở Việt Nam là thu hút dầu tư nước ngoài, chấp nhận các nhà tư bản nước ngoài vào kinh doanh.
5. Bài bản
Duy tân:-Tân thư, đó là các sách khảo cứu của các học giả Duy tân Trung Quốc. Các vị đó vừa trước tác, vừa biên dịch các sách của Nhật và của phương Tây. Những tư tưởng của phương Tây được các nhà Duy tân Việt Nam biết đến bằng tiếng Trung Quốc và qua sách báo Trung Quốc. - Ngoài việc tiếp thu Tân thư, các nhà Duy tân của Việt Nam còn dựa vào những tinh thần của Tân thư để biên soạn, phỏng dịch, lược dịch những tư tưởng chính của tân thư cho thích hợp với người đọc Việt Nam, bằng tiếng quốc ngữ.
Trong việc này, Ðông Kinh nghĩa thục có vai trò rất quan trọng. Như trong Chiêu hồn nước đã nói: Sách Châu Mỹ, sách China Chữ kia chữ nọ dịch ra tinh tường 'Một người học muôn người đều biết Chí ta thông trăm việc phải hay'
Đổi Mới:- Ban đầu, không có bài bản. Nói như vật tưởng như vô lý. Thực ra thì thế mới là có lý. Như đã nói, trở ngại chính của đổi mới là những huý kỵ. Ðể khắc phục những huý kỵ thì không thể dùng bài bản được, mà phải dùng những giải pháp thực tiễn, chứng minh từ thực tiễn. - Nói không có bài bản từ ban đầu là nói về tổng lộ tuyến của đổi mới. Còn trong từng vụ việc, trong từng mũi đột phá, thì lại rất có bài bản.
Khoán ở Vĩnh Phú và ở Ðồ Sơn, cơ chế một giá ở Long An, cấp đất và trả máy cày cho tư nhân ở An Giang, tháo gỡ của công ty lương thực Bà Ba Thi, dệt Thành Công, tơ lụa Nam Ðịnh, thuốc lá Bông sen ở Thanh Hoá, đều là những bài bản rất có tính toán, để làm sao vừa đột phá và tháo gỡ thành công, vừa tránh phạm huý kỵ để khỏi bị “thổi còi”. - Chỉ sau một số năm (từ 1979 đến 1986) và qua một loạt vụ việc phá rào, thử thách, thấy thực tiễn chứng minh là cần, và có thể đổi mới toàn diện, thì mới hình thành những bài bản, bắt đầu với Văn kiện Ðại hội Ðảng lần thứ VI (1986).
6. Chủ xướng
Duy Tân:- Khi phong trào Duy tân xuất hiện, thì giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam chưa ra đời. Do đó, việc đề xướng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa lại không thể là các nhà tư sản, mà là icác sĩ phu theo hệ tư tưởng tư sản. Ðó là theo lý thuyết thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách của Cố Viêm Võ. Nhưng các vị sĩ phu lại là những người không giỏi kinh doanh mà chỉ giỏi dạy học và viết sách. Ðó là một đặc điểm của phong trào duy tân (về mặt kinh tế).
Đổi Mới:- Bắt đầu quá trình chưa thể có người chủ xướng trên tầm quốc gia. Chủ xướng là các cán bộ lãnh đạo có uy tín ở cấp tỉnh, cấp giám đốc xí nghiệp hay công ty. Về mặt lịch sử, rất đáng tôn vinh họ là những người anh hùng của công cuộc đổi mới. Nhưng khi đột phá, các vị đó chưa thể và cũng chưa dám nghĩ đến cái lộ trình chuyển cả nước sang kinh tế nhiều thành phần, sang kinh tế hàng hoá, sang cơ chế htị trường. Khi phong trào phá rào và tháo gỡ đã phát triển đến một mức độ nhất định, kết quả tích cực đã được ghi nhận, thì ngày càng có nhiều vị lãnh đạo cấp cao đồng tình, ủng hộ và tạo ra sự chuyển đổi ở tầm quốc gia.
7. Người đỡ đầu
Duy Tân: - Người đỡ đầu là Nhật Bản và một số nhà duy tân Trung Quốc. Khôngbao lâu, những người đỡ đàu này đã lần lượt bỏ rơi những tín đồ” Duy tân Việt Nam.
Đổi Mới: -Tranh thủ sự đồng tình của từng vị lãnh đạo cấp cao nhất ở trung ương.
8. Trở ngại, trở lực
Duy Tân: - Trở lực chính là chủ nghĩa thực dân Pháp. Ðối với trở lực này không thể có sự đồng thuận, vì mâu thuẫn là mâu thuẫn đối kháng giữa kẻ xâm lược và người bị xâm lược. Khác với quan hệ trong nội bộ dân tộc: ở đây không óc chuyện phép vua thua lệ làng, mà là cả hai cái đó đều bị chủ nghĩa thực dân dồnvào chân tường. Cả vua, nếu chống lại cũng bị đầy biệt xứ. - Một trở lực nữa, trở lực bên trong, chính là cách nghĩ, cách làm, cách sống theo nho giáo cũ. Từ phương pháp đấu tranh giành độc lập tới cách suy nghĩ về xã tắc, cách ăn mặc, sinh hoạt đều cần phải sửa đổi 'Trống tân học đuổi ma cổ hủ'.
- Nếu giả định vẫn được phát triển bình thường, thì rất có thể phong trào còn gặp một trở ngại nữa: đó là sự hạn chế của bản thân những người chủ trương duy tân. Họ không phải là các nàh kinh doanh mà chỉ là các sĩ phu. Họ không biết kinh doanh theo đúng nghĩa của nó, mà chỉ muốn hô hào phát triển kinh doanh. Nếu các nhà sĩ phu yêu nước được tiếp tục tổ chức các hoạt động kinh tế, khó tránh khỏi sự vấp váp ngay trên thương trường (thực tế là ngay lúc đó đã có một số cơ sở kinhdoanh do các vị sáng lập đã bị thua lỗ, phá sản).
Đổi Mới:- Trở lực thứ nhất là những huý kỵ. Ðó là những nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế cũ như: chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, lao động tập thể, kinh tế kế hoạch hoá tập trung, độc quyền của nhà nước về ngoại thương, quan niệm rằng tư bản là bóc lột, là đối lập với chủ nghĩa xã hội, rằng kinh tế tiểu nông và thị trường tự do từng giờ từng phút đẻ ra chủ nghĩa tư bản, thương nghiệp và giá cả phải do nhà nước chỉ đạo.
-Trở lực thứ hai là những thói quen bao cấp: quen mua giá cung cấp, quen sống bằng tem phiếu, quen trông chờ nhà nước cấp phát vốn, vật tư.
-Trở ngại thứ ba là những do dự của cấp trên. Với tinh thần trách nhiệm trước Ðảng, trước đất nước, trước nhân dân, nhiều vị bănkhoăn rằng có thể sẽ đi chệch hướng của chủ nghĩa Mác-Lênin, mất chủ nghĩa xã hội, mất Ðảng, mất chế độ, gây rối loạn trong đời sống, mà trước hết sẽ ảnh hhưởng đến cuộc sống của nhân dân lao động.
9. Ðường đi nước bước
Duy Tân: -Dùng hình thức công khai và hợp pháp để tổ chức các trường học, các hiệp hội, các cơ sở kinh doanh.
-Tuyên truyền tư tưởng duy tân dưới nhiều hình thức: phổ biến các sách báo Tân thư dưới hình thức mở các cửa hiệu sách, ra báo. Ðông kinh nghĩa thục còn lập ra ban Tu thư và đặc biệt là những buổi diễn thuyết 'người đông như hội, kỳ bình văn khách tới như mưa'.
-Tổ chức các hội buôn. Ngoài thương nghiệp và công nghiệp , còn phát triển các đồn điền… - Những hoạt động kinh doanh đó trước mắt chưa nhằm chấn hưng cả một nền kinh tế quốc gia, mà chỉ nhằm khuyến khích phong trào. Lợi nhuận chưa nhằm làm giầu, mà phần lớn được sử dụng để khuyến học, giúp đỡ phong trào Ðông du.
-Tư tưởng duy tân có trước, đi trước, thực tiễn duy tân diễn ra sau.
Đổi Mới:- Nguyên tắc cơ bản của các hoạt động đột phá là phải kính nhi viễn chi đối với những điều huý kỵ. Làm sao phá rào mà vẫn giữ được sự đồng thuận. Ðó là điều rất ngoạn mục và đặc sắc của đổi mới ở Việt Nam. - Nói theo ngôn ngữ của những người phá rào, thì có nhiều cách phá rào mà vẫn không bị 'thổi còi': có khi lợi dụng 'đèn vàng' mà vượt nhanh, có khi lợi dụng lúc 'đèn đỏ' trục trặc hay khi người cầm còi 'thông cảm, cho qua', có khi bí quá thì 'rú còi cấp cứu' (bất kể cứu thương hay cứu hoả) để xin vượt 'đèn đỏ'. Khi đó 'phép vua thua lệ làng'!
- Một trong những nhà cải cách đã nhận xét về đường đi nước bước của phá rào: 'Phá rào hay tháo gỡ thực ra cũng giống như việc xuyên một lỗ nhỏ qua một hàng rào, qua một bức tường. Khi đã được phép xuyên một lỗ nhỏ cho dễ thở, thì người ta mở nó ra thành một chiếc cửa sổ. Ðến khi được chấp nhận mở chiếc cửa sổ thì người ta phá nó ra thành một chiếc cửa ra vào. Ðó là lộ trình cải cách ở Việt Nam'. - Thực tiễn của phá rào và đổi mới đi trước trên từng bộ phận. Từ kết quả của thực tiễn mà hình thành tư duy đổi mới trên toàn cục.
10. Kết quả
Duy Tân L:-Bị trấn áp, nhưng dư hưởng còn tồn tại lâu dài. Như đã nói, phong trào làm giàu, chấn hưng kinh tế để chấn hưng dân tộc vẫn tiếp tục: Bước sang đầu thập kỷ 20, phong trào duy tân nhường sứ mệnh của mình cho giai cấp tư sản dân tộc mới nảy sinh với những Trương Văn Bền, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà - Trong phong trào duy tân, không có sự tham gia hoặc hưởng ứng của các quan chức nhà nước.
Một vài vị trong phong trào cũng đã có ý định đó. Như Phan Bội Châu, vào giai đoạn đầu còn muốn dựa vào những người cứng cáp trong quan trường, như nhờ ông Phủ Doãn Thừa thiên, ông Tổng đốc Nghệ An góp bàn kế hoạch duy tân. Khi viết Lưu cầu huyết, Lệ tân thư (1903) lại trình ông thượng thư bộ binh để xem và phê. Nhưng con đường đó không mấy thành công. Ðó là điều hoàn toàn khác với công cuộc đổi mới sau này.
Giai cấp tư sản dân tộc đó vẫn tiếp tục con đường phát triển sản nghiệp để chấn hưng quốc gia. Do đó, từ cách mạng Tháng Tám, một bộ phận rất lớn của giai cấp này đã hội nhập với trào lưu của lịch sử, cũng đóng góp đáng kể cho cách mạng và kháng chiến.
Đổi Mới:-Thay vì xử lý kẻ phá rào, các hàng rào đã được xử lý. Kết quả của hầu hết các cuộc phá rào (trừ trường hợp Vĩnh Phúc, quá sớm và không được sự đồng thuận từ trước) là đạt tới sự đồng thuận trên dưới, trong ngoài.
Ðó chính là con đường biện chứng và ngoạn mục đi từ phá rào tới đổi mới, từ đổi mới tới những khởi sắc kinh tế.
Tiếp theo những tháo gỡ trong bản thân nền kinh tế và bộ máy quản lý kinh tế là một bước tháo gỡ lớn về tư duy kinh tế.
Những húy kỵ về kinh tế như thị trường tự do, tư thương, tư bản, tư sản, ngoại bang, bóc lột đã được nhìn nhận lại bằng con mắt thực tế và tự tin hơn.
Trong đổi mới và qua đổi mới, Việt Nam không chỉ đi nhờ vả một chiều ở phương Tây, mà phương Tây đã tìm đến với Việt Nam để làm ăn. Giữ vững chủ quyền quốc gia là một trong những kết quả lớn nhất của đổi mới.
Một đặc điểm rất quan trọng của đổi mới là sau khi đột phá, rất nhiều cán bộ lãnh đạo ở cơ sở như bí thư, chủ tịch tỉnh và thành phố, giám đốc xí nghiệp đã được điều về trung ương. Thế là những đối tượng của thổi còi nay lại được cầm còi.
Nói cách khác có một bộ phận ‘lệ làng’ được ghi nhận và phổ biến thành ‘phép vua’.
Kết luận:
Duy tân là việc của phần tư đầu thế kỷ XX. Ðổi mới là việc của phần tư cuối thế kỷ XX. Khoảng cách thời gian xa nhau, hoàn cảnh khác nhau, con người khác nhau, đối tượng khác nhau và kết quả cũng khác nhau.
Nhưng cả hai phong trào đều lựa chọn cái mới, cái tiến bộ như giải pháp cơ bản của phát triển. Cả hai đều có nội dung cơ bản là khắc phục những định kiến và lề thói cũ, kể cả những cái từng được ngộ nhận là khuôn vàng, thước ngọc đã lỗi thời. Cả hai đều có chung những khuôn vàng, thước ngọc muôn thuở là: dân giầu, nước mạnh, công bằng, hữu ái, văn minh.
Thiển nghĩ: nếu hôm nay chúng ta tụ hội tại đây để tôn vinh những nhà duy tân, thì có nên chăng cũng đáng có một dịp nữa để tôn vinh những người đã có công đột phá và đổi mới, tức các nhà tân duy tân?
Đặng Phong; http://www.bbc.co.uk/vietnamese/entertainment/story/2005/08/050825_sosanhdongdudoimoi.shtml